Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Ba Chàng MINH Tài Hoa Trên Sân Khấu Cải Lương




Minh Cảnh & Lệ Thủy trong vở Dốc Sương Mù
Ba nghệ sĩ Minh Phụng, Minh Vương, Minh Cảnh đã nổi tiếng từ thập niên 1960-1970. Thời gian ấy công ty cải lương Kim Chung đã phát triển từ 4 đến 6 đoàn, tỏa đi hát khắp các tỉnh miền Nam, nên rất cần lực lượng nghệ sĩ hùng hậu. Các nghệ sĩ Minh Phụng, Minh Vương, Minh Cảnh đều nổi bật lên từ sân khấu các đoàn của công ty Kim Chung, và tài nghệ cả ba được trau chuốt càng ngày càng xuất sắc hơn.
Minh Phụng thành công từ sắc vóc đến giọng ca
ns Minh Phụng
Sinh trưởng ở Mỹ Tho, say mê làn điệu vọng cổ, nên đã quyết đinh chọn con đường sân khấu làm hướng vào đời, lấy tên hai đứa con của người bạn thân Minh và Phụng ghép thành nghệ danh cho mình, còn tên thật là Nguyễn Văn Thiệu, có lúc phải đổi thành Nguyễn Văn Hoài để trốn lính chế độ cũ. Với giọng ca thiên phú, truyền cảm hấp dẫn, nghệ sĩ Minh Phụng còn có sắc vóc sáng đẹp, nên bước đầu khá thuận lợi, tìm đến đoàn hát nào cũng được trọng dụng. Trải qua vài đoàn hát nhỏ, giọng ca của Minh Phụng bắt đầu sáng lên ở đoàn cải lương Thủ Đô, khi anh hát cặp với đào Hồng Loan qua những vở “Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ”, “Sầu Quan Ải”, “Hoa Chiều Hương Muộn”.
Nét đẹp và giọng ca Minh Phụng nhanh chóng được số đông khán giả ái mộ, và không qua được cặp mắt tìm tòi của các ông bà bầu hồi đó. Minh Phụng được công ty Kim Chung mời về giao những nhân vật chính, sánh vai với các nữ nghệ sĩ nổi tiếng đương thời như Út Bạch Lan với “Trinh Tiết Một Loài Hoa”, Mỹ Châu “Bích Vân Cung Lệ Sử”, rồi hát với Diệu Hiền nhiều vở tuồng màu sắc Trung Hoa và sau này là bạn diễn của Lệ Thủy.
Sau ngày 30-4-1975, nghệ sĩ Minh Phụng được giao giữ trọng trách Trưởng đoàn Cải lương “Tiếng hát Quê Hương” tỉnh Bến Tre. Anh ca diễn sinh động trong những vở “Lục Vân Tiên”, “Lửa Dậy Phi Trường”, được khán giả cảm tình nồng nhiệt, cũng như thời gian anh hát ở đoàn Hương Mùa Thu với Ngọc Hương qua những vở “Con Cò Trắng”, “Gánh Cỏ Sông Hàn”. Bước đường nghệ thuật còn đưa đẩy Minh Phụng qua các đoàn Trần Hữu Trang hát với Lệ Thủy và về đoàn cải lương Văn Công bên cạnh Mỹ Châu được khán giả bình chọn là đôi nghệ sĩ diễn cặp được yêu thích nhất.
Qua mối tình với nữ nghệ sĩ Diệu Huê ở đoàn Kim Chung, Minh Phụng có cô con gái là Tiểu Phụng, vừa hát cải lương vừa đóng phim. Với mối tình thứ hai cùng nữ nghệ sĩ Kiều Tiên, anh có thêm cô con gái tài năng là ca sĩ-diễn viên điện ảnh Y Phụng.
Thời gian sau này Minh Phụng và Kiều Tiên lập đoàn “Tiếng Chuông Vàng – Minh Phụng” lưu diễn khắp nơi. Anh vẫn nhiệt tình muốn gắn bó với sân khấu.
Minh Vương: Khôi nguyên vọng cổ, giọng ca vượt thời gian…
Ns Minh Vương
Chàng trai tên Nguyễn Văn Vưng, rời quê Long An lên Sài Gòn theo bậc trung học, nhưng chàng lại mê hát cải lương hơn, nên tìm đến thọ giáo với thầy Bảy Trạch, chất giọng truyền cảm đã giúp chàng đoạt giải “Khôi nguyên vọng cổ” năm 1964, và được thầy giới thiệu vào hát cho công ty Kim Chung. Nghe qua giọng ca của chàng trai, ông bầu Long rất vừa ý, và khi nghe tên Nguyễn Văn Vưng, ông bật cười bảo: Vưng là cái gì, ta đặt cho em tên Minh Vương, em sẽ là “vua sân khấu” nhé.
Cái tên Minh Vương có từ đấy và tài nghệ của anh bắt đầu đi lên với những vai diễn sôi nổi ở các đoàn hát của công ty Kim Chung, bên cạnh những nữ nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Lệ Thủy, Mỹ Châu, Tô Kim Hồng. Đến năm 1972 thì Minh Vương cùng người vợ thành lập đoàn cải lương “Việt Nam” lưu diễn khắp nơi cho đến ngày 30-4-1975. Sân khấu đổi mới Minh Vương về hát ở đoàn Sài Gòn 3, rồi về Đoàn Văn Công TP. HCM.
Ở đoàn cải lương Văn Công, Minh Vương gặp lại bạn diễn là Lệ Thủy, và cùng hát rất ăn ý, được khán giả ái mộ qua những vở “Tiếng Sóng Rạch Gầm”, “Khi Bình Minh Trở Lại”. Giọng ca đã hay nét diễn của Minh Vương thời gian này lại cố gắng thể hiện được nghệ thuật ấn tượng và sinh động. Minh Vương nhận ra những cố gắng của mình đạt hiệu quả tốt, được người xem yêu thích hơn. Song anh vẫn cần những vai đa dạng để khả năng thêm phong phú. Vì thế, khi về đoàn Trần Hữu Trang, Minh Vương đã nhận một vai khác hẳn sở trường của mình. Anh hóa thân vào nhân vật Nguyễn Trãi trong vở “Rạng Ngọc Côn Sơn”, thành công xuất sắc trong vai diễn lịch sử, qua nhân vật Nguyễn Trãi. Minh Vương biểu hiện được tài năng trong vai “lão” rất chững chạc. Cũng như anh diễn nổi bật được vai Minh Luân bằng nét trẻ thơ trong vở “Đời Cô Lựu”. Sau đó anh diễn vở “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga” với Bạch Tuyết được khán giả trong nước và khán giả người Việt ở Pháp khen ngợi. Với lòng tha thiết yêu nghề Minh Vương luôn nổ lực sáng tạo để có một phong cách riêng, làm sống lại những nhân vật, như anh diễn vai Minh trong vở “Tô Ánh Nguyệt”, hay vai Lộc trong vở “Con Cò Trắng” gây được nhiều xúc động trong khán giả khi anh cộng tác với đoàn Hương Mùa Thu.
Hiện nay Minh Vương vẫn hát với đoàn Văn Công (nhà hát Trần Hữu Trang) và nhiệt tình tăng cường cho những đoàn hát tỉnh. Anh luôn được khán giả ái mộ với giọng ca vàng vượt thời gian, và nét diễn vô cùng sắc sảo.
Bên ngoài sân khấu Minh Vương là người khiêm tốn, thành thật và có tình nghĩa với bạn bè, giúp đỡ những người gặp khó khăn. Anh luôn nhớ về thời gian phấn đấu vào nghề để có được tên tuổi ngày nay, trong hào quang nghệ thuật, một nghệ sĩ Minh Vương tài hoa, nhưng chân chất, không cường độ khoa trương.
Minh Cảnh – Tiếng hát đổi đời
Minh Cảnh
Đời tôi không khá lên được nếu không có bài vọng cổ. Nghệ sĩ Minh Cảnh đã nói như vậy với tất cả tấm chân tình. Mà thật thế, chỉ nghe giọng ca Minh Cảnh qua bài vọng cổ “Võ Đông Sơ ” biết bao người phải say mê. Chính từ làn điệu trữ tình ấy mà chàng trai nghèo Minh Cảnh đổi đời trong hào quang sân khấu.
Anh kể lại: Tôi là con trai trưởng trong một gia đình quá đông với đàn em lít nhít hàng chục đứa. Ba tôi làm tài xế, mẹ tôi bán trái cây lặt vặt, bản thân tôi ngoài giờ học cũng phải bưng thúng bắp luộc rao bán khắp nơi, từ tiếng rao lảnh lót của mình tôi nhận ra mình có chất giọng tốt. Tô lại mê bài vọng cổ và tôn sùng các danh ca Út Trà Ôn, Hữu Phước, nên tôi ôm mộng nghệ sĩ, cứ nghe radio để hát theo những bài vọng cổ đến thuộc lòng. Sự may mắn đã giúp tôi gặp được anh Văn Được, đờn violon rất hay, anh đã đờn để dạy tôi ca đúng nhịp. Tôi còn thọ giáo với bác Hai Sĩ, làm nghề hớt tóc mà đờn cò thật tuyệt. Nhờ bác Hai Sĩ tôi lại được biết danh cầm Ngọc Sáu, một tay đờn cò nổi tiếng của đoàn Kim Chung. Nghe tôi ca chất giọng lạ ông Sáu dẫn tôi vào đoàn hát giới thiệu với ông bầu Long, là giám đốc của công ty cải lương Kim Chung. Tiếng hát của tôi làm ông bầu Long mê luôn, nên ông đưa tôi lên sân khấu ca, quảng cáo là “một thần đồng vọng cổ”. Danh hiệu “thần đồng” của tôi cũng là một chuyện vui. Bởi sống trong gia đình nghèo, tôi là một đứa kỳ dị “nuôi hoài không lớn”. Năm đó tôi đã 22 tuổi mà trông cứ như đứa bé 13, 14, nên ông Long mới gọi tôi là “thần đồng” và có ý giao cho tôi những vai “kép nhí”. Nhưng sau đêm diễn đầu tiên tôi ca bài “Lá Thư Người Chiến Sĩ” được khán giả vỗ tay cổ vũ muốn vỡ rạp, lại đến vai diễn nhỏ của tôi ca 3 câu vọng cổ trong tuồng “Giọt Lệ Đêm Trung Hoa” người xem chật kín rạp Olympic. Ông Long phấn khởi, liền bảo các soạn giả viết vai diễn theo kiểu “đo ni đóng giày” cho tôi vào những nhân vật chính, sắm phục trang đặc biệt cho tôi đóng cặp với những nữ nghệ sĩ đang nổi tiếng. Từ đó tôi được giao toàn những vai kiếm khách, hiệp sĩ với mục đích của đoàn là khai thác giọng ca độc đáo để thu hút khán giả…
Nhưng công ty cải lương Kim Chung của ông bầu Long, với 6 đoàn hát vẫn không thể độc quyền sử dụng giọng ca Minh Cảnh. Nhiều hãng đĩa hát đã vào cuộc, mời Minh Cảnh thu đĩa, làm thay đổi cuộc sống của anh như có chiếc đũa thần màu nhiệm. Cuối cùng thì hãng đĩa hát Asia khai thác giọng ca Minh Cảnh thành công nhất, với các bài vọng cổ nổi tiếng “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà” , “Tu Là Cõi Phúc”, “Mục Liên Tìm Mẹ”, “Sầu Vương Ý Nhạc” và “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”.
Thành đạt từ sân khấu Kim Chung, nghệ sĩ Minh Cảnh đã lập ra “Minh Cảnh Kịch Đoàn” lưu diễn khắp nơi, thu hút rất đông người xem. Đoàn hát của anh đã gây được tiếng vang lớn với nhiều vở tuồng nổi tiếng và những vai diễn ấn tượng của anh như: Bách Kiếm Vương – Hồ Vũ (vở Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn), Phi Phi Nhạn Nhạn (vở Kiếm Sĩ Người Dơi), Mã Khắc Sinh (vở Mắt Em Là Bể Oan Cừu), Cao Nguyên Bình (vở Đêm Lạnh Chùa Hoang). Anh cũng sử dụng kỹ xảo người bay đầu tiên, với bản lĩnh sân khấu và bất chấp nguy hiểm để thu hút khán giả.
Bây giờ, nghệ sĩ Minh Cảnh tuổi đã cao, nhưng giọng ca vẫn tốt, anh không còn làm đoàn hát, nhưng mở quán nghệ sĩ đờn ca, có lúc ở Vũng Tàu, có khi ở Sài Gòn, anh tâm sự: “Bài vọng cổ đã giúp tôi đổi đời, thăng hoa nghệ thuật và được đông đào khán giả mến thương. Tôi muốn gắn bó với bài ca vọng cổ đến hơi thở cuối cùng.”
theo cailuongvietnam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét