Malaysia
Ở Malaysia, đàn ông chào đàn ông và phụ nữ chào phụ nữ bằng cách áp các ngón tay vào nhau, sau đó đưa tay lên vị trí trái tim. Cử chỉ lịch thiệp này thể hiện thông điệp: “Tôi chào mừng bạn từ sâu thẳm trái tim”.
Đàn ông và phụ nữ không bắt tay nhau, thay vào đó là chào bằng một cái cúi đầu. Khi giới thiệu, người Malaysia luôn giới thiệu từ người có địa vị xã hội cao cho đến người có địa vị thấp hơn, từ người già đến người trẻ, từ phụ nữ đến nam giới.
Người Inuit
Người Inuit thường chào bằng cách áp nhẹ mũi và môi trên lên má hoặc trán người đối diện, đồng thời mút nhẹ bằng cách hít vào. Đây là kiểu chào thân thiện, thân mến và không hề mang tính gợi tình.
Thái Lan
Nghi thức chào theo kiểu truyền thống ở Thái Lan được thực hiện bằng cách áp hai lòng bàn tay vào nhau và đặt trước ngực giống tư thế vái lạy. Đi kèm với hành động này là một cái cúi đầu nhẹ.
Bàn tay đặt càng gần mặt càng chứng tỏ sự tôn trọng người được chào. Tư thế này cũng được sử dụng khi nói “Xin lỗi” và “Cảm ơn”.
Ấn Độ
Người Ấn Độ cũng sử dụng tư thế hơi giống tư thế vái lạy. Họ áp lòng bàn tay vào nhau, cúi nhẹ và nói “Namaste” hoặc “Namaskar”.
Đối với người Ấn Độ, tư thế cho tay vào túi hoặc khoanh tay trước ngực bị xem là thô lỗ. Họ cũng không gọi người khác bằng cách ngửa lòng bàn tay lên và vẫy các ngón tay như nhiều nước trên thế giới. Hành động đó được xem là mang tính lăng mạ. Nếu muốn gọi một người mà không dùng lời, bạn phải vẫy các ngón tay khi úp lòng bàn tay xuống.
Nhật Bản
Nghi thức chào hỏi xã giao được đặc biệt coi trọng ở Nhật Bản. Nó phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn chào ai, chào vào khoảng thời gian nào trong ngày và ý định của bạn là gì. Kiểu chào một cách hời hợt thường dễ bị quở trách.
Khi chào, người Nhật thường gập mình một cách kính cẩn. Và nếu bạn chào một người Nhật, đừng quên nói rằng bạn mong muốn sẽ được gặp lại họ trong thời gian tới.
Người Maori
Theo truyền thống, người Maori chào bằng cách áp nhẹ mũi vào nhau và kết thúc bằng một cái nắm tay. Kiểu chào này cho đến nay vẫn được sử dụng rộng rãi ở New Zealand, đặc biệt là trong các nghi lễ.
Nghi thức chạm mũi mang ý nghĩa là truyền cho nhau hơi thở của sự sống. Nếu người Maori chào bạn theo cách này, họ không còn xem bạn là một người khách nữa mà giống như một người dân của mảnh đất đó.
Ethiopia
Ở Ethiopia, khi mới gặp nhau, việc hỏi thăm sức khỏe được đặc biệt xem trọng. Tuy nhiên, bạn sẽ bị coi là bất lịch sự nếu như trả lời thành thật hoặc đưa ra một tình trạng cụ thể. Một câu trả lời chung chung “Cảm ơn, tôi khỏe, thế còn bạn?” thường là thích hợp nhất trong mọi hoàn cảnh.
Cả hai bên đều cúi đầu thấp khi chào. Nếu như một phía thuộc địa vị xã hội thấp hơn, người đó có thể chạm tay phải xuống đất. Trẻ con khi chào có thể hôn chân cha mẹ.
Nga
Nghi thức chào truyền thống có tên Bánh mỳ và Muối được sử dụng ở hầu hết các nước nói tiếng Slavic, bao gồm Nga, Ukraine, Ba Lan, Bulgaria, Croatia và Belarus. Khi ai đó quan trọng đến nhà, chủ nhà thường tặng bánh mỳ cùng một lọ muối đặt trong một chiếc khăn thêu.
Theo quan niệm của người Nga, bánh mỳ tượng trưng cho lòng hiếu khách, muối trắng tượng trưng cho mối quan hệ lâu bền. Truyền thống này thậm chí còn được các nhà du hành Nga thực hiện ngoài không gian.
Ai Cập
Nghi thức chào truyền thống ở Ai Cập và nhiều nước ở Trung Đông là bắt tay phải trong khi đặt tay trái lên vai đối phương.
Cùng với cái bắt tay, họ sẽ hôn nhẹ lên má nhau. Tuy nhiên, đàn ông và phụ nữ không chạm vào nhau khi chào hỏi. Người Ai Cập cũng thích đứng rất gần nhau khi nói chuyện.
Các nước phương Tây
Đa phần các nước phương Tây thường chào nhau bằng một cái bắt tay và lắc nhẹ lên xuống. Hành động này thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng và được sử dụng trong các mối quan hệ kinh doanh, bè bạn, gia đình và khi chơi thể thao.